Chơi Piano

01. Quy Trình Luyện Tập, Phương Pháp Trực Giác

By 28/09/2015 November 1st, 2020 One Comment

Nhiều học viên dùng thói quen luyện tập hàng ngày sau:

  1. Đầu tiên, luyện tập gam hoặc các bài tập kỹ thuật cho tới khi các ngón tay trở nên mềm dẻo. Tiếp tục tập luyện thêm 30 phút hoặc lâu hơn nếu bạn có thời gian, để cải thiện kỹ thuật nhất là bằng cách sử dụng các bài tập như loạt bài Hanon. Đây là lúc bạn có thể thực sự tập hết sức để củng cố các ngón tay.
  2. Sau đó lấy một bản nhạc mới và từ từ đọc một hai trang, chơi cẩn thận cả hai tay cùng lúc, bắt đầu từ đoạn đầu. Việc chơi chậm này được lặp đi lặp lại cho tới khi nó có thể được thực hiện khá nhuần nhuyễn và sau đó sẽ được nâng dần tốc độ cho tới khi đạt được tốc độ cuối cùng. Một chiếc máy nhịp có thể được sử dụng cho việc lên tốc từ từ này.
  3. Vào lúc cuối của hai giờ tập luyện, các ngón tay đang phiêu, vì vậy học viên có thể chơi nhanh hết mức họ muốn và tận hưởng trải nghiệm trước khi nghỉ. Dù gì thì, họ đã chán tập luyện để có thể thư giãn, chơi thỏa thích ở tốc độ cao nhất; đây là lúc để tận hưởng âm nhạc!
  4. Khi bản nhạc mới đã có thể được chơi một cách thỏa mãn, hãy ghi nhớ nó và tiếp tục luyện tập “cho tới khi bản nhạc nằm lòng trong tay”; đây là cách bạn chắc chắn để ghi nhớ bản nhạc.
  5. Vào ngày trình diễn hoặc có buổi học, hãy tập bản nhạc ở tốc độ chính xác (hoặc nhanh hơn!) nhiều lần nhất có thể để đảm bảo rằng màn trình diễn ở trạng thái tốt nhất. Đây là cơ hội cuối cùng; rõ ràng là, càng luyện tập nhiều, thì càng tốt.

Mỗi bước của quy trình này đều tạo ra vấn đề, nó dựa trên những niềm tin sai lệch và sẽ giới hạn sự tiến bộ chỉ đến mức độ trung bình ngay cả khi học viên luyện tập nhiều giờ mỗi ngày. Phương pháp này không nói cho học viên biết phải làm gì khi họ gặp một đoạn quá khó ngoại trừ việc cứ lặp đi lặp lại, đôi khi suốt cả cuộc đời, mà không biết là khi nào hoặc làm sao những kĩ năng cần thiết sẽ đạt được. Một giáo viên thậm chí không thể chơi piano cũng có thể dạy phương pháp này! Phương pháp này giao nhiệm vụ tiếp thu kỹ thuật cho học viên – một phương pháp không dạy gì cả. Hơn thế nữa, âm nhạc sẽ phát ra ngang phè trong buổi biểu diễn và những cú vấp thình lình sẽ gần như không thể tránh khỏi. Tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết sử dụng “phương pháp tập luyện hiệu quả”.

Thói quen luyện tập trên trông có vẻ hợp lý một cách trực giác. Mặc dù trực giác giúp con người giup chúng ta giải quyết những vấn đề đơn giản, khi tính đến những vấn đề phức tạp như học piano, trực giác không thể cạnh tranh với các mẹo học mà những thiên tài và giáo viên trước đây đã khám phá. Không có những mẹo học này, học viên sẽ bị mắc kẹt với cái mà chúng ta sẽ gọi là “phương pháp trực giác”, trống vắng phương pháp luyện tập, vốn là lý do chính tại sao có nhiều học viên tập luyện cả đời mà không đạt được mục tiêu đến vậy. Sách giáo khoa được sử dụng trong mọi lĩnh vực học cấp cao. Cho việc học piano, chúng ta cần một sách giáo khoa chứa đựng những phương pháp luyện tập lần nào cũng có hiệu quả nhanh chóng cho tất cả mọi người.

Có vô số sách học piano; chúng đều dạy bạn nên học chơi gì, như gam, láy rền, bản Mozart sonata, v.v…, nhưng chúng hiếm khi dạy cách đạt dược kỹ thuật để bạn có thể chơi chúng. Cuốn sách này là bản sưu tập các phương pháp luyện tập với giải thích tại sao một số phương pháp có hiệu quả trong khi số khác lại không. Không có lời giải thích, thì không có cách nào để biết một phương pháp có hiệu quả hay không. Chỉ vì một giáo viên đã sử dụng phương pháp được 30 năm không phải là lời giải thích vững chắc bởi vì quá nhiều trong số chúng hóa ra lại là sai. Sách giáo khoa sẽ giải phóng giáo viên khỏi phải dạy cơ cấu tập luyện và cho phép họ tập trung vào âm nhạc chỗ cần giáo viên nhất.

Giáo viên piano biết học viên phải tập một cách nhạc tính để đạt được kỹ thuật. Cả nhạc tính và kỹ thuật đều đòi hỏi sự chính xác và kiểm soát. Hầu như mọi sai lầm kỹ thuật đều có thể nhận biết trong tiếng nhạc. Tuy nhiên, nhiều học viên vẫn có khuynh hướng tập luyện mà sao lãng âm nhạc, thích “chơi” khi không có ai xung quanh để nghe hơn. Phương pháp luyện tập như vậy tạo ra các “nghệ sĩ piano phòng kín” thích chơi nhưng không thể trình diễn.

Sử dụng phương pháp luyện tập hiệu quả, bạn có thể học trong dưới năm năm, những gì bạn có thể đạt được trong năm mươi năm tự mình vật lộn sử dụng cách tiếp cận (trực giác) “luyện tập, luyện tập, và luyện tập”. Quyển sách này không tự nhận sẽ biến đổi bạn thành các Mozart, Beethoven hay Chopin, dù không loại trừ khả năng đó. Quyển sách này chỉ nhận bạn có thể học chơi những bản nhạc của họ dễ dàng. Các phương pháp được giới thiệu theo quy trình cần thiết khi bạn bắt đầu một bản nhạc mới.