Chơi Piano

22. Chơi Chậm

By 20/12/2016 September 17th, 2020 No Comments

Chơi chậm có thể khiến bạn lãng phí rất nhiều thời gian: nếu bạn chơi nhanh gấp đôi, bạn tập được nhiều gấp đôi, vậy tại sao lại tập một thứ bạn không cần ở tốc độ cần đạt? Để khiến việc chơi chậm mang lại lợi ích, hãy kết hợp nhiều mục tiêu vào mỗi lần tập chậm:

(1) Chơi chậm rất có ích cho việc luyện tập kĩ thuật, đặc biệt trong việc tập luyện sự thư giãn và động tác nhấn phím đúng [(11) Động Tác Bấm Phím Cơ Bản; Legato, Staccato]

(2) Nó giúp củng cố trí nhớ vì có khoảng thời gian cho những tín hiệu thần kinh chơi đàn truyền qua lại từ những ngón tay tới bộ não nhiều lần, trước khi những nốt tiếp theo được chơi. Luôn tập luyện ở tốc độ nhanh chỉ làm tăng cường bộ nhớ đôi tay mà không giúp gì với trí nhớ thực sự: chơi chậm là bảo hiểm chống ngất trí nhớ.

(3) Hãy rèn luyện nghĩ xa trước đoạn nhạc bạn đang chơi, vốn tạo ra nhiều kiểm soát đối với màn trình diễn hơn và thậm chí còn có thể chuẩn bị cho bạn đối phó những lỗi sắp xảy ra. Hãy luôn nghĩ trước ít nhất một ô nhịp và luyện cảm nhận những phím đàn trước khi đánh, để đảm bảo độ chính xác 100%.

(4) Đây là một trong những cách tốt nhất để xóa bỏ những thói quen xấu mà bạn đã mắc phải trong quá trình luyện tập nhanh [(27) Suy Thoái Trong Chơi Nhanh, Loại Bỏ Thói Quen Xấu].

(5) Hãy tập khả năng tách rời bản thân khỏi bản nhạc, để tâm trí mình lang thang và làm nhiều việc cùng lúc, ví dụ như nhìn ngó xung quanh hay nói chuyện với ai đó.

(6) Luôn kết thúc mỗi buổi tập luyện bằng việc chơi chậm. Nhắc lại: lần tập cuối cùng của bất kì buổi luyện đàn nào đều nên chậm, đặc biệt khi đang luyện tập để cải thiện tốc độ, trí nhớ, hoặc để chuẩn bị cho buổi diễn [(55) Chuẩn Bị Biểu Diễn, Quay Phim]. Dù là một trong những quy tắc đơn giàn nhất, đây cũng là một trong những quy tắc quan trọng nhất của tập luyện piano.

Giả sử bạn đang tập một Bộ Nốt Song Song, đang tăng tốc độ lên, đã tập 20 lần, và bạn muốn đổi tay. Hãy đánh một hay hai lần ở tốc độ chậm trước khi đổi. Nếu bạn vừa chơi xong một bản nhạc yêu thích ở tốc độ cần đạt và muốn giữ nó ở trạng thái hoàn hảo nhất, hãy chơi lại cả bản nhạc chậm rãi rồi mới chuyển sang cái khác. Luôn đánh chậm những bài biểu diễn sau mỗi lần tập chúng, đặc biệt là vào tuần trước buổi trình diễn. Sau buổi diễn, nếu bạn cần biểu diễn lại cùng bản nhạc sớm, hãy chơi chậm chúng ít nhất một lần càng sớm càng tốt. Luôn áp dụng quy tắc này, không chỉ trước mỗi buổi trình diễn, vì những ích lợi bạn sẽ tích lũy được qua nhiều năm là cực kì to lớn.

Tại sao phương pháp này hiệu quả khó tin như vậy vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn; một vài lý do là:

(1) Nó không gây ra những thói quen xấu (nhưng bạn phải đảm bảo rằng mình sử dụng đúng các động tác như yêu cầu khi chơi ở tốc độ nhanh),

(2) Nó cải thiện trí nhớ thực sự, và giảm thiểu trí nhớ tay,

(3) Nó giúp xóa bỏ những thói quen xấu hình thành trong quá trình tập nhanh,

(4) Lần tập cuối cùng của mỗi buổi luyện đàn có ảnh hưởng vô cùng lớn lên kỹ thuật so với các lần tập trước có thể là bởi vì mỗi lần tập dượt sẽ phần nào xóa bỏ những lần tập trước. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải đặc biệt chú ý tới lần tập dượt cuối cùng, và

(5) Hiệu quả này được lũy tích nên nó có thể tạo thành những lợi ích khổng lồ sau khoảng thời gian dài (nhiều năm).