Chơi Piano

38. Phác Thảo Sonata #1, Op. 2-1 Của Beethoven

By 16/09/2020 4 Comments

Phác thảo là một phương pháp để tăng nhanh tiến trình học bằng cách đơn giản hóa bản nhạc; nó hiệu quả trong tập luyện hai tay rời nhau, nhưng được dùng chủ yếu trong việc tập luyện hai tay cùng nhau. Nó cho phép người chơi piano có thể duy trì dòng chảy âm nhạc hoặc nhịp điệu ở tốc độ cuối gần như ngay lập tức. Điều này cho phép luyện tập nhạc từ rất lâu trước khi đoạn đó có thể được chơi một cách vừa ý ở tốc độ bình thường và làm việc tiếp nhận các kỹ thuật khó dễ dàng hơn bằng cách dạy các bộ phận dùng để chơi to hơn (như vai, cánh tay) cách di chuyển. Các đơn giản hóa có thể đạt được bằng cách sử dụng các phương pháp như xóa bớt những nốt “ít quan trọng hơn” hay liên kết các nốt nhạc thành hòa âm. Bản nhạc chính được phục hồi bằng cách dần dần phục hồi những nốt đã được đơn giản hóa. Whiteside diễn giải về phác thảo ở trang 141 trong cuốn sách đầu, và trang 54-61, 105-107, 191-196 trong cuốn sách thứ hai, trong đó có phân tích các ví dụ khác nhau.

Có rất nhiều cách để đơn giản hóa một đoạn cụ thể, và học viên tập phác thảo lần đầu sẽ cần tập luyện nhiều hơn trước khi họ có thể sử dụng phương pháp này hiệu quả nhất. Phác thảo cao cấp có thể trở nên phức tạp ngoài khả năng của học viên nên cần sự trợ giúp từ giáo viên. Tuy vậy, bất kỳ ai cuối cùng cũng cần xây dựng khả năng tự phác thảo mà không cần sự trợ giúp. 

Một quan điểm về phác thảo là bằng cách tiếp cận bản nhạc trước tiên, kỹ thuật sẽ nhanh chóng theo sau, vì không thể tách rời âm nhạc và kỹ thuật. Phác thảo cũng có thể được dùng để tăng độ chính xác và cải thiện trí nhớ.

Những phương pháp phác thảo đơn giản là (1) xóa nốt, (2) chuyển các hợp âm rải thành hợp âm thường, (3) chuyển những đoạn phức tạp thành những đoạn đơn giản hơn; đây là lúc phải dùng lý thuyết về âm nhạc và trở nên phức tạp hơn. Một quy tắc quan trọng là: tuy bản nhạc đã được đơn giản hóa nhưng cần giữ lại thế bấm cần thiết của bản nhạc gốc.

Với phác thảo HT, đơn giản hóa phần của một hoặc cả hai tay để bạn có thể chơi chúng bằng cả hai tay một cách dễ dàng, sau đó thêm phần đã lược bỏ dần dần. Chú ý rằng phác thảo là một kỹ năng cực kỳ hữu dụng cho thị tấu. 

Hãy cùng thử áp dụng phác thảo với Sonata #1 của Beethoven (Op. 2, No. 1). Tôi đã ghi chú trong phần đánh giá sách rằng Gieseking đã cẩu thả trong việc bác bỏ phần thứ tư của bản nhạc là “không có vấn đề nào mới” mặc dù phần tay trái cuối rất nhanh và khó (Cực nhanh!). Ông tay dường như không biết giải quyết các vấn đề bằng cách sử dụng những cặp song song nên không thể đưa ra hướng dẫn. Hãy cùng hoàn thiện công việc tuyệt vời mà Gieseking đã làm để giúp chúng ta khởi động với bản Sonata này bằng cách đảm bảo rằng chúng ta có thể chơi phần cuối đầy lý thú này.

Bốn chùm ba đầu của phần tay trái có thể được tập luyện bằng cách sử dụng các cặp song song được áp dụng vào từng chùm ba rồi sau đó chơi theo vòng lặp. Ở đây, cặp song song thứ nhất rất hữu dụng; nó là một loại phác thảo (đơn giản hóa chùm ba thành hợp âm). Chùm ba thứ nhất trong ô nhịp thứ hai có thể được lặp lại bằng cách dùng cặp song song 524. Vòng lặp 524 liên tục giúp củng cố ngón thứ tư yếu ớt. Khi ngón thứ tư đã trở nên mạnh mẽ và trong tầm kiểm soát, thêm nốt tiếp theo, 5241, sau đó luyện cặp song song 1235. Ngón cái ở trên cần được dùng mọi lúc mọi nơi. Sau đó luyện hợp âm rải đi lên ở ô nhịp thứ ba, cặp song song 5421, sau đó là 542131. Dùng phương pháp tương tự để luyện tập phần hợp âm rải đi xuống sau đó.

Phần tay phải khá đơn giản, bạn có thể áp dụng các quy tắc dùng để luyện tập hợp âm và các bước nhảy trong [(34) Quãng Tám Nhanh, Tay Nhỏ/To]. Cho đến hiện tại, mọi thứ đều là luyện tập hai tay rời nhau.

Dùng phác thảo để luyện tập hai tay cùng nhau. Đơn giản hóa phần tay trái và chỉ chơi những nốt phách (ba ô nhịp đầu) F3F3F3F3|F3F3F2E2|F2F3F3F3, với thế bấm 5555|5155|5155. Đây là những nốt đầu của từng chùm ba. Khi đã chơi hai tay rời nhau nhuần nhuyễn phần phác thảo này, bắt đầu luyện hai tay cùng nhau. Khi đã chơi được một cách thoải mái phần hai tay cùng nhau này, việc thêm chùm ba vào sẽ dễ dàng hơn, với ít hơn hẳn rủi ro thêm vào lỗi. Vì những hợp âm rải này là những phần thách thức nhất trong phần nhạc này, bằng cách phác thảo chúng, toàn bộ phần nhạc có thể được luyện tập ở bất kỳ tốc độ nào cho dù bạn không thể chơi những chùm ba nhanh. 

Trong phần tay phải, ba hợp âm đầu nhẹ, và ba hợp âm thứ hai mạnh. Lúc bắt đầu, luyện chủ yếu độ chính xác và tốc độ, vậy nên luyện cả 6 hợp âm một cách nhẹ nhàng cho đến khi nhuần nhuyễn phần này. Rồi sau đó thêm lực mạnh. Như trong mọi sáng tác của Beethoven, việc theo sát các ký hiệu âm lượng là tuyệt đối cần thiết. Để tránh chơi nhầm nốt, hãy tạo thói quen cảm nhận các nốt nhạc trước khi chơi chúng. Với phần giai điệu quảng tám ở ô nhịp 34-36 của phần tay phải, chắc chắn rằng bạn không chơi to dần, đặc biệt với nốt Son cuối. Toàn bộ bản Sonata không được chơi với bàn đạp. Để loại bỏ bất kỳ rủi ro phần kết tàn khốc nào, chơi bốn nốt của phần nhạc này bằng tay trái, đưa bàn tay vào tư thế trước khi cần thiết. 

Có nhiều cách để phác thảo; các chùm ba bằng tay trái có thể được chơi như các hợp âm, hoặc như các cặp song song. Điều này giúp bạn luyện tập hai tay cùng lúc trong giai đoạn bạn vẫn còn luyện tập cặp song song. Dùng phác thảo như một phương sách cuối cùng vì nó có thể tốn rất nhiều thời gian; phương pháp này thường không cần thiết khi bạn đã biết tất cả những phương pháp khác trong cuốn sách này.