Chơi Piano

27. Suy Thoái Trong Chơi Nhanh, Loại Bỏ Thói Quen Xấu

By 14/02/2018 September 6th, 2020 4 Comments

Chơi bất cứ bản nhạc nào ở tốc độ cao nhất (hoặc nhanh hơn), và bạn có thể chịu “Sự Suy Thoái Chơi Nhanh” (Fast Play Degradation – FPD). Ngày tiếp theo, bạn không thể chơi bản nhạc tốt như vậy được. Chuyện này xảy ra chủ yếu với chơi HT. Chơi HS miễn dịch với FPD hơn và thực ra có thể được dùng để sửa nó. FPD xảy ra hẳn là vì cơ chế chơi đàn của con người (bàn tay, não bộ, v.v…) trở nên bối rối ở tốc độ đó, và vì vậy nó chỉ xảy ra với những nội dung phức tạp như chơi HT những bài đòi hỏi khái niệm hoặc kỹ thuật cao. Những bản nhạc dễ chơi có xu hướng không bị thiệt hại FPD. Học viên nào cố tăng tốc HT có thể gặp phải các vấn đề FPD và cách giải quyết thông thường xưa nay là chỉ tập luyện chậm rãi trong những quãng thời gian dài vốn lãng phí quá nhiều thời gian.

Luyện tập HS là giải pháp tốt hơn. Nó làm đơn giản hóa bản nhạc, giảm thiểu sự rối rắm và xóa bỏ bất cứ thói quen xấu nào hình thành trong quá trình chơi HT nhanh. Một cách hiệu quả để tránh FPD là luôn chơi chậm ít nhất một lần trước khi nghỉ.

Điều quan trọng nhất về FPD là nhận biết sự tồn tại của nó, để bạn không bị ngỡ ngàng, và biết phải làm gì để chữa nó. Nếu bạn không biết gì về FPD và trải nghiệm các triệu chứng của nó, bạn có thể bị các vấn đề tâm lý vì không có gì mang lại hiệu quả mà lại không biết lý do.

Thói Quen Xấu: Học viên mới thường bắt đầu với vô số thói quen xấu dễ dàng được nhận ra bởi giáo viên. Nhiệm vụ của giáo viên là phân loại ưu tiên chúng và sửa từng cái một. Những thói quen xấu thường gặp là cách nhấn phím kém, sử dụng bàn đạp vang âm quá nhiều, ngón tay yếu (nhút nhát), lắp bắp, sai tốc độ, thiếu nhịp điệu và nhạc cảm, các động tác không kiểm soát, v.v… Thói quen xấu là những thứ gây mất thời gian nhất trong việc luyện piano vì, một khi đã được hình thành, chúng cần thời gian dài mới sửa được, trong khi ngăn chặn chúng thì dễ hơn rất, rất nhiều, nếu các biện pháp phòng ngừa được áp dụng đúng lúc.

Một số học viên mới dộng ầm ầm trên piano mà chẳng quan tâm gì đến nhạc cảm. Học viên đánh đồng tiếng to với sự hứng khởi. Điều này xảy ra bởi vì học viên quá chú tâm vào luyện tập nên họ quên không lắng nghe âm thanh phát ra từ đàn. Việc nuôi dưỡng thói quen lắng nghe bản thân là rất quan trọng, và đó là công việc chính của giáo viên để cho thấy “du dương” nghe như thế nào. Khả năng phân biệt giữa nhạc cảm và phi-nhạc-cảm là kỹ năng quan trọng nhất mà học viên cần nuôi dưỡng. Việc lắng nghe bản thân khó hơn người ta nghĩ vì nhiều học viên dồn hết sức mình vào việc chơi đàn, và không còn sức để nghe. Cách tốt nhất để tránh vấn đề này là quay phim lại màn chơi đàn để họ có thể nghe chính mình chơi. Tập luyện to tiếng quá nhiều có nguy cơ ngăn ngừa việc đạt được tốc độ và kỹ năng, bên cạnh việc làm hỏng bài nhạc. Chơi to tiếng có xu hướng làm âm thanh thô.

Rồi đến những người với ngón tay yếu. Điều này là do không thư giãn và để trọng lực làm thay. Học viên thiếu tự tin và vô thức nâng cánh tay, điều này tạo ra căng thẳng nên tốc độ và nhạc cảm trở nên không thể đạt được. Những học viên này cần được dạy toàn bộ biên độ năng động của piano và cách tận dụng biên độ này, và hơn hết, cách thư giãn.

Thoi Quen Xau - Học Piano 02

Một thói quen xấu khác nữa là chơi sai tốc độ, hoặc quá nhanh hoặc quá chậm, nhất là trong một màn trình diễn khi học viên trở nên phấn khởi và mất cảm nhịp. Tốc độ đúng được quyết định bởi nhiều yếu tố, bao gồm độ khó của bản nhạc so với khả năng kỹ thuật, điều khán giả có thể đang trông đợi, tình trạng cây đàn, bản nào chơi trước hoặc tiếp sau bản này, v.v… Vài học viên có xu hướng biểu diễn các bản nhạc quá nhanh so với trình độ của mình để rồi phạm lỗi, trong khi những người khác nhút nhát và chơi quá chậm, từ đó không tận dụng hết khả năng bản nhạc. Chơi chậm có thể trở nên khó hơn cả chơi đúng tốc độ, vốn ghép thêm những vấn đề của người chơi rụt rè. Những người chơi quá nhanh có thể trở nên chán nản tâm lý vì họ mắc quá nhiều lỗi và trở nên tự cho rằng họ là người chơi dở. Những vấn đề này áp dụng không chỉ với những buổi biểu diễn mà cả những buổi luyện tập; những người tập quá nhanh có thể nghĩ rằng mình chơi dở vì họ mắc lỗi và tiến bộ thì chậm. Chơi chậm lại một chút có thể giúp họ chơi chính xác và tuyệt vời và, trong tương lai, đạt được kỹ thuật nhanh hơn. Để đối phó vấn đề này, một số trường phái piano hoàn toàn không cho phép chơi nhanh. Giải pháp đó không tối ưu, vì học viên sẽ học ở mức chậm hơn.

Học viên mới thường chơi máy móc như một máy nhịp, nhằm cố “chơi chính xác”. Họ cần được dạy rằng nhịp điệu là một ngôn ngữ, và rằng những điểm lệch nhỏ khỏi việc canh nhịp cứng nhắc được dùng để truyền đạt những khái niệm âm nhạc.

Chất lượng âm điệu kém là một vấn đề thường thấy khác. Không ai đang lắng nghe khi đang tập, nên âm điệu có vẻ không quan trọng; học viên thậm chí có thể không biết đến khái niệm âm điệu. Học viên phải luôn cố gắng đạt được âm điệu, vì nó là phần quan trọng nhất của âm nhạc. Âm điệu tốt không thể được tạo ra bởi một chiếc đàn dở hoặc không được điều chỉnh; đây là lý do chính vì sao học viên cần một chiếc đàn tốt và vì sao việc lên dây, điều chỉnh, và âm búa đàn quan trọng hơn đa phần các học viên và giáo viên nghĩ. Lắng nghe những bản thu âm hay là cách tốt nhất để đánh thức học viên về sự tồn tại của âm điệu tốt. Nếu họ chỉ nghe bản thân chơi, họ có thể chẳng có khái niệm âm điệu tốt là gì. Mặt khác, một khi họ chú tâm đến âm điệu và bắt đầu gặt hái thành quả, nó sẽ tự nuôi dưỡng và họ có thể học cách tạo ra những âm thanh thu hút khán giả.

Sự lắp bắp được tạo ra từ việc luyện tập kiểu dừng-và-đi trong đó học viên có thói quen dừng lại để chơi lại đoạn nhạc mỗi khi mắc sai lầm. Khi mắc sai lầm, luôn luôn chơi lướt qua nó, đừng dừng lại để sửa. Ghi chú trong đầu nơi mắc lỗi và chơi lại đoạn đó sau để xem lỗi có lặp lại không. Nếu có, lấy ra một phân khúc nhỏ chứa lỗi (thường là vài ô nhịp) và luyện tập nó. Một khi thói quen chơi lướt qua lỗi được hình thành, học viên có thể tốt nghiệp lên trình độ cao hơn là dự liệu trước lỗi và có động thái tránh, ví dụ như giản lược đoạn nhạc, giữ nguyên nhịp điệu hoặc giai điệu qua chỗ lỗi, hay thậm chí tăng tốc một chút và dùng trí nhớ tay để chơi cho qua. Những kỹ năng này cần được luyện tập mỗi khi bạn mắc lỗi. Đa phần khán giả không để ý, và thường thậm chí còn không nhớ, các lỗi trừ phi dòng giai điệu hoặc âm điệu bị phá vỡ.

Chơi chậm lại ở đoạn dễ vấp được đoán trước là một việc nguy hiểm. Dù đoạn đó có được nhớ tốt đến đâu, thì chơi bất kỳ đoạn nào cũng vẫn phụ thuộc vào trí nhớ tay. Giảm tốc có thể làm thay đổi sự kích thích cho trí nhớ tay và tăng khả năng bị vấp. Thường thì bạn có thể ngăn ngừa lỗi bằng cách tăng tốc để mình dựa vào trí nhớ tay hơn. Vì vậy hãy thứ nghiệm với cả hai cách tiếp cận trong lúc luyện tập. Nếu không có luyện tập từ trước, việc tăng tốc là một việc làm đáng sợ trong màn trình diễn.

Điều tồi tệ nhất về thói quen xấu là chúng thường cần rất lâu mới xóa bỏ được, nhất là khi chúng là thói quen HT. Vì vậy không gì tăng tốc độ học lên bằng việc biết hết về thói quen xấu và ngăn ngừa chúng trước khi chúng ăn sâu vào bạn. Ví dụ, thời điểm để ngăn ngừa sự lắp bắp là khi một học viên lần đầu học piano, khi mà một vài lần dừng ở chỗ này chỗ kia có vẻ vô hại. Lúc đầu, các học viên không lắp bắp; có điều, họ cần được dạy ngay về cách chơi lướt qua lỗi – nó là một kỹ năng họ phải học. Ở giai đoạn này, học nó rất dễ; còn để dạy một người quen lắp bắp chơi lướt qua lỗi, mặt khác, là một việc vô cùng nản lòng.