Chơi Piano

14. Ghi Nhớ, Nhắm Mắt Và Chơi Đàn

By 21/11/2016 September 17th, 2020 No Comments

Quy Trình Ghi Nhớ: Hãy ghi nhớ mọi bản nhạc bạn học trước khi luyện tập bản đó. Ví dụ, trong khi đang học một đoạn RH khi đang bắt đầu một tác phẩm, hãy ghi nhớ đoạn đó. Vì một đoạn thường gồm khoảng 10 đến 20 nốt nhạc, việc ghi nhớ nó là chuyện nhỏ và tốn rất ít thời gian. Sau đó bạn sẽ phải lặp lại những đoạn đó nhiều lần, trước khi bạn có thể chơi bản nhạc – đó là số lần lặp lại nhiều hơn mức cần thiết để ghi nhớ, và bạn không dành ra được chút thời gian thừa nào. Đừng lãng phí cơ hội chỉ-có-một lần, vô giá như thế! Luôn luôn ghi nhớ trước, sau đó luyện tập chỉ từ trí nhớ, vì cách ghi nhớ này hầu như không cần tốn thời gian.

Quá trình ghi nhớ là gần giống với quá trình học tập – bạn có thể hoàn thành được hai việc trong cùng một quá trình! Hơn nữa, bằng cách ghi nhớ và thực hành cùng một lúc, bạn lại học bản nhạc nhanh hơn là khi bạn không ghi nhớ nó vì bạn tiết kiệm thời gian bằng cách không phải nhìn vào nhạc phổ. Nó cũng giúp loại bỏ quá trình chậm chạp của việc đọc nhạc phổ và dịch nó trong đầu thành những gì bạn đang chơi, điều này làm chậm việc đạt được kỹ năng. Ghi nhớ sẽ tiết kiệm thời gian!

Cách ghi nhớ truyền thống dạy học viên hãy học chơi bản nhạc trước rồi sau đó mới ghi nhớ nó. Nếu bạn tách quá trình học chơi và ghi nhớ, bạn sẽ phải trải qua một quy trình tương tự đến hai lần (HS, phân đoạn, v.v…). Không ai có đủ kiên nhẫn và thời gian để trải qua gian khổ như vậy; điều này giải thích tại sao những người chỉ tập ghi nhớ sau khi đã học bản nhạc sẽ không bao giờ nhớ tốt.

Việc ghi nhớ HS sẽ hữu ích trong một buổi biểu diễn cho trường hợp khôi phục từ lúc mất ý thức, v.v… Có rất nhiều cách sử dụng trí nhớ HS hơn mà chúng ta sẽ thảo luận sau. Một khi bạn đã học thuộc lòng một đoạn ngắn hoặc một phân khúc, chia nó thành các đoạn nhỏ hơn hợp lý khoảng 10 ô nhịp và bắt đầu chơi những đoạn này một cách ngẫu nhiên. Hãy tập nghệ thuật bắt đầu chơi từ bất cứ đâu trong bản nhạc. Việc bắt đầu ngẫu nhiên sẽ dễ dàng vì bạn đã học chơi và ghi nhớ nó theo những phân đoạn nhỏ. Việc có thể chơi một bản nhạc từ bất cứ đoạn nào thật sự rất phấn khích và kỹ năng này không bao giờ ngừng gây ngạc nhiên cho khán giả.

Một khi một đoạn đã được ghi nhớ, không bao giờ sử dụng nhạc phổ lại lần nào nữa ngoại trừ cho các mục đích cụ thể, ví dụ như để kiểm tra độ chính xác của trí nhớ hay kiểm tra các ký hiệu biểu cảm.

Nếu bạn lập lại một đoạn nhiều lần, bạn đang đạt trí nhớ tay và kỹ thuật, nhưng trí nhớ không được gia hạn tỷ lệ thuận với số lần lập lại. Tốt nhất nên chờ 2-5 phút rồi ghi nhớ lại.

Tất cả những gì bạn đã ghi nhớ sẽ nằm trong đầu bạn mãi mãi; đó là lý do các nhà bác học có trí nhớ thần kì như vậy. Quên không phải là sự mất trí nhớ mà là sự mất khả năng khôi phục thông tin. Nguyên nhân phổ biến nhất của việc mất trí nhớ là sự nhầm lẫn; thay vì lấy được thông tin đúng, não đi đến chỗ sai và bị mắc kẹt. Việc ghi nhớ HS hiệu quả vì bạn chỉ cần làm việc với một nửa bán cầu não. Trí nhớ HT cần cả hai bán cầu não và có tỉ lệ gây ra nhầm lẫn cao hơn. Luyện tập chậm là một thử nghiệm tốt cho bộ nhớ vì có nhiều thời gian hơn cho tâm trí dạo quanh và đi lạc. Nó cũng là một cách tốt để ghi nhớ bởi vì có nhiều thời gian cho các nội dung đi tới lui nhiều lần từ bộ não đến bàn tay của bạn, để tăng cường trí nhớ.

Nhiều học viên trở thành cả những người đọc tốt nhưng ghi nhớ kém hoặc ngược lại. Trong hầu hết các trường hợp, điều này xảy ra không phải vì học viên bẩm sinh là như vậy, mà là vì cách họ đã luyện tập. Một khi họ trở nên đọc giỏi, họ ít có nhu cầu ghi nhớ hơn, và có thể bỏ qua bài luyện tập trí nhớ. Ngược lại với những người ghi nhớ tốt.

Đối với gần như tất cả các học viên (kể cả những người tự nhận mình là những người ghi nhớ kém) những đoạn khó khăn nhất thường được chơi từ trí nhớ. Những người không ghi nhớ có thể cần nhạc phổ để hỗ trợ tâm lý và những gợi ý nhỏ chỗ này chỗ kia, nhưng trong thực tế, họ đang chơi những đoạn khó khăn chủ yếu từ trí nhớ (nếu họ có thể chơi chúng). Những học viên không ghi nhớ sẽ không bao giờ học tốt cái gì, và điều này hạn chế sự phát triển kỹ thuật của họ.

Nghệ sĩ piano thường nhắm mắt khi họ muốn tập trung vào chơi nhạc với hàm lượng cảm xúc cao – họ cần tất cả tài nguyên sẵn có để sản xuất ra âm nhạc trình độ cao. Khi mở mắt, một lượng lớn thông tin đi vào não vì thị giác là một nguồn dữ liệu hình ảnh băng thông cao, ba chiều, đa sắc, năng động, mà phải được lập tức diễn dịch theo nhiều cách phức tạp. Những dữ liệu này phải được xử lý ngay lập tức bởi vì chúng ta phải phản ứng với các tác nhân thị giác theo thời gian thật. Vì thế một phần lớn của bộ não luôn luôn bận rộn với việc xử lý hình ảnh, không chỉ trong lúc lái xe hay chơi quần vợt. Việc nhắm mắt giải phóng nguồn tài nguyên não to lớn này để tập trung vào âm nhạc. Cho nên, mặc dù hầu hết các khán giả thán phục một nghệ sĩ dương cầm có thể chơi nhắm mắt, chuyện đó thực ra lại dễ hơn. Không có nghệ sĩ dương cầm thính phòng nào cố ý làm mọi việc khó khăn hơn cho mình trong một màn trình diễn khó. Họ nhắm mắt vì điều đó giúp chơi đàn dễ dàng hơn.

Vì vậy, cứ thoải mái chơi với đôi mắt nhắm lại và thực sự gây ấn tượng với khán giả! Bởi vì việc đó đơn giản hơn, nên nó có thể được học rất nhanh. Hơn nữa, nó là một kỹ năng mà bất kỳ người chơi đàn thành công nào cũng nên có. Việc học chơi với đôi mắt nhắm sẽ cải thiện khả năng chơi với đôi mắt mở, vì nó cần những kỹ năng như cảm nhận phím đàn và lắng nghe tiếng đàn của chính bạn.

Hãy thoải mái chơi với đôi mắt nhắm lại và thực sự gây ấn tượng với khán giả

Hãy thoải mái chơi với đôi mắt nhắm lại và thực sự gây ấn tượng với khán giả

Các loại trí nhớ: Phương pháp tốt nhất để học cách ghi nhớ là nghiên cứu những người có trí nhớ tốt nhất. Một vài nhà bác học có bộ nhớ siêu nhân, nhưng chúng ta không hiểu cách bộ não họ làm việc, vì vậy họ không giúp ích mấy ngoại trừ việc cung cấp bằng chứng rằng não bộ của người có thể làm ra những kỳ tích trí nhớ không tưởng. Tuy nhiên, có rất nhiều người bình thường có trí nhớ tuyệt vời thường thi đấu trong các cuộc thi trí nhớ. Những người này đã viết vô số bài báo/sách về cách ghi nhớ bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên internet. Những người ghi nhớ thành công luôn sử dụng các thuật toán ghi nhớ [(16) Chức Năng Trí Nhớ Của Con Người]. Ví dụ, để nhớ một tập hợp các số, họ vạch những con số thành một câu chuyện hay khung cảnh sao cho dễ nhớ. Mặc dù thật sự là có những người có trí nhớ tốt và kém bẩm sinh, người ta phát hiện ra rằng những người ghi nhớ tài năng luôn tự phát triển ra thuật toán cho riêng mình. Các nhà bác học hẳn cũng dùng phương pháp này; không may mắn là, không có nhà bác học nào có thể nói cho chúng ta biết thuật toán của họ là gì; có vẻ như chúng là thứ không sẵn sàng để diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.

Sẽ rất hữu dụng nếu ta nghiên cứu các kỷ lục ghi nhớ “trung cấp” như tính toán ngày tháng, mà trong đó một người có thể nói chính xác ngày bao nhiêu là thứ mấy, ngay cả khi ngày đó nằm ở hàng ngàn năm trước hay hàng ngàn năm sau. Chúng là các vấn đề “mô-đun A, B,…” và thường có những cách giải đơn giản vô cùng. Đối với phép tính ngày tháng, A = năm nhuận, B = tháng, và C = tuần. Các phép tính đơn giản cho thấy bạn chỉ cần ghi nhớ một vài số để có thể tính ra thứ của bất cứ ngày nào trong vòng vài giây. Hãy cùng tham khảo một câu đố mô-đun đơn giản sau đây, trong hệ thống số của chúng ta (mô-đun 9) ta chỉ cần nhớ mười con số, 0 đến 9, để có thể viết ra và tính toán mọi số bất k lớn nhỏ. Như vậy các hệ thống mô-đun như thế này cực kỳ quyền năng. Sự giống nhau trong phép tính ngày tháng trong hệ thống số là vấn đề làm sao đoán ra con số cuối cùng của một số rất lớn, ví dụ như 5621. Câu trả lời (1) là không đáng kể trong trường hợp này, bởi vì hệ thống mô-đun. Các nghệ sĩ piano dùng hệ thống mô-đun 12 (quãng tám) mỗi khi họ chơi. Khán giả theo dõi trong kinh ngạc trong khi nghệ sĩ piano đánh chạy trên cả bàn phím với tốc độ cao nhất, vì họ không biết rằng chúng ta chỉ cần biết chơi một quãng tám là có thể chơi được hết 88 phím.

Có nhiều loại thuật toán hấp dẫn được sử dụng bởi các bộ óc siêu phàm, nhưng chủ đề đó nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này. Chúng ta không cần những thuật toán đó cho việc ghi nhớ âm nhạc vì tự bản thân âm nhạc là một thuật toán! Đây là một phần lý do tại sao tất cả các nghệ sĩ hòa tấu dương cầm có thể ghi nhớ các bản nhạc lớn như vậy – nghệ sĩ hòa tấu piano là một kiểu người nhớ siêu phàm vì việc luyện piano cung cấp cho họ rất nhiều thuật toán. Tại sao âm nhạc lại là một thuật toán ghi nhớ tốt như vậy, điều này chưa được hiểu rõ ràng; câu trả lời chắc chắn nằm trong sự thực rằng âm nhạc là một ngôn ngữ [(68). Theory, Solfege]. Một cụ già có thể kể chuyện hàng giờ, cũng nhiều như một nghệ sĩ hòa tấu piano có thể chơi hàng giờ từ trí nhớ. Vì vậy, việc ghi nhớ các tiết mục dài hàng tiếng đồng hồ là không có gì bất thường với con người bình thường, nếu bạn biết bộ não ghi nhớ như thế nào.

Trong lịch sử, các giáo viên âm nhạc không dạy phương pháp ghi nhớ, điều này giải thích tại sao có sự chênh lệch lớn như vậy giữa những người trí nhớ kém và tốt trong số các nghệ sĩ piano. Các phương pháp sư phạm âm nhạc truyền thống đã gán cho khả năng ghi nhớ là tài năng bẩm sinh vì những giáo viên đó không biết cách dạy các phương pháp ghi nhớ.

Bước đầu tiên trong việc học ghi nhớ cho piano là kể ra những cách chúng ta dùng để ghi nhớ: các thuật toán của nghệ sĩ piano. Có rất nhiều loại trí nhớ như tình cảm, thời gian (khi nó xảy ra), cá nhân (người có liên quan với âm nhạc), không gian (ở đâu), lịch sử, v.v… nói cách khác, rất nhiều, vì trí nhớ luôn liên kết nhau [(16) Chức năng Trí Nhớ Của Con Người]. Ở đây chúng ta thảo luận về năm loại mà đặc biệt hữu ích cho piano với thuật toán được bao trong ( ) dưới đây:

  1. Bộ nhớ âm nhạc (thuật toán: chính bản nhạc!),
  2. Bộ nhớ tay (sự kết hợp của các cảm giác xúc giác của việc chơi, tác nhân âm thanh từ đàn piano, phản xạ cơ bắp được xây dựng trong quá trình luyện tập, v.v…),
  3. Bộ nhớ bàn phím (vị trí trực quan của các phím cụ thể được chơi),
  4. Bộ nhớ hình ảnh (hình ảnh của nhạc phổ), và
  5. Bộ nhớ lý thuyết (cấu trúc âm nhạc, lý thuyết).

(1) Bộ nhớ âm nhạc thì dựa trên bản nhạc: giai điệu, nhịp điệu, hòa âm, cường độ, cảm xúc, v.v… Thuật toán cho bộ nhớ âm nhạc chủ yếu được cài trước trong não; bạn không cần là giáo sư âm nhạc mới thưởng thức âm nhạc được. Đa phần bộ nhớ âm nhạc là tự động, vì nó được liên kết với những quá trình bẩm sinh hoặc học được trong não. Nó hiệu quả nhất cho loại người nghệ sĩ và có khiếu nhạc, những người có cảm xúc mạnh mẽ kết nối với âm nhạc của họ. Những người có cảm âm tuyệt đối cũng sẽ hiệu quả vì họ có thể tìm thấy nốt nhạc trên đàn piano từ Bộ nhớ về bản nhạc. Các nhà soạn nhạc cũng luôn sử dụng loại bộ nhớ này. Thuật toán âm nhạc là một thành phần chính của bộ nhớ và vì vậy nhạc cảm rất quan trọng với bộ nhớ

(2) Bộ nhớ tay là một phản xạ quen dần đáp trả đến các tác nhân thần kinh, thính giác, xúc giác, v.v… đạt được từ việc thực hành lặp đi lặp lại. Một phần lớn của mọi Bộ nhớ đàn piano là bộ nhớ tay, còn được gọi là bộ nhớ cơ bắp – tay cứ chơi mà không cần phải chơi từng nốt nhạc một cách có ý thức. Trước khi nghệ sĩ piano hiểu các khái niệm Bộ nhớ liên kết, Bộ nhớ tay được tin là phương pháp duy nhất và tốt nhất để ghi nhớ – “tập cho đến khi âm nhạc nằm trong tay của bạn”, chúng ta đã được bảo vậy.

Mọi người phải luyện tập các cấu trúc thông dụng, chẳng hạn như gam, hợp âm rải, đệm Alberti, v.v… để bàn tay của bạn có thể chơi chúng một cách tự động, mà không cần phải suy nghĩ về từng nốt nhạc. Bộ nhớ bàn tay là một phần cần thiết của Bộ nhớ; may mắn là, bạn sẽ tự động đạt được nó như sản phẩm đi kèm của việc luyện tập lập lại nhiều lần.

Bộ nhớ bàn tay không đáng tin cậy vì nó dễ bị cúp (bất cứ khi nào các kích thích bình thường thay đổi chẳng hạn như trong một buổi biểu diễn) và, nếu bạn bị mắc kẹt giữa một đoạn nhạc, không có cách nào khởi đầu lại bởi vì các kích thích đã biến mất rồi. Việc phụ thuộc vào bộ nhớ tay là nguồn gốc của hầu hết các vấn đề ghi nhớ piano vì nó dựa vào phản xạ, thứ mà chúng ta không điều khiển được. Do đó, Bộ nhớ thực thụ chỉ có thể được tạo ra từ việc thêm vào các phương pháp ghi nhớ khác, bằng cách thêm vào các liên kết khác. Đây là ý của câu nói “Bộ nhớ có tính liên kết”.

(3) Bộ nhớ bàn phím: Trong bộ nhớ bàn phím, bạn nhớ trình tự các phím và các chuyển động tay khi bạn chơi. Có một cây đàn piano trong tâm trí của bạn, và bạn có thể chơi nó. Bộ nhớ bàn phím có hầu hết ưu điểm của bộ nhớ hình ảnh nhưng những nốt được nhớ là những phím đàn bạn chơi chứ không phải những nốt nhạc nằm trên tờ giấy. Cách này bỏ qua quá trình dịch từ các nốt nhạc thành các phím đàn. Bộ nhớ bàn phím là bộ nhớ dễ sử dụng nhất, bởi vì bạn có thể đạt được nó khi tập luyện bản nhạc. Vì bộ nhớ âm nhạc và bàn tay đều đạt được một cách tự động, sự kết hợp với bộ nhớ bàn phím sẽ cung cấp một nền tảng bộ nhớ chắc chắn mà cần rất ít nỗ lực. Mỗi lần bạn chơi bản nhạc, bộ nhớ bàn phím lại được tự động củng cố.

Bộ nhớ bàn phím là bộ nhớ dễ sử dụng nhất

Bộ nhớ bàn phím là bộ nhớ dễ sử dụng nhất

(4) Bộ nhớ hình ảnh cần được nuôi dưỡng nếu bạn khát khao trở thành nghệ sĩ piano cấp cao, vì đây là điều cần thiết trong những hoạt động piano cấp cao như sáng tác, thị tấu, phân tích lý thuyết và (15). Diễn Tập Tinh Thần (MP), được nói đến trong phần kế. Ít nhất, bạn nên ghi nhớ bằng hình ảnh dòng hoặc trang đầu tiên của mỗi bản nhạc bạn học, đặc biệt là các dấu hóa và nhịp. Nếu bạn thực hiện điều này với mỗi bản nhạc bạn học, bạn sẽ tự động phát triển những khả năng về hình ảnh để mà, một ngày nào đó, bạn sẽ đột nhiên khám phá ra mình nhớ rất nhiều thứ bằng hình ảnh. Bạn luyện tập bộ nhớ hình ảnh càng nhiều, thì nó hình thành càng dễ và không có giới hạn về số trang mà bộ não con người có thể lưu trữ, vì Bộ nhớ có tính liên kết.

Bắt đầu tri nhớ hình ảnh bằng cách ghi nhớ mỗi lần một tay. Hãy ghi nhớ từng ô nhịp một; đừng thêm ô nhịp vào trừ phi bạn đã ghi nhớ tốt tất cả nội dung trước đó. Hãy chụp lại một hình ảnh chính xác của trang, hoàn chỉnh với đầy đủ các điểm thiếu và dấu thừa trên nó; hãy nhớ, càng nhiều thứ để liên tưởng càng tốt. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ ô nhịp nào đó, hãy vẽ một thứ bất thường lên nó, như một mặt cười hay những ký hiệu riêng của bạn sẽ giúp xốc Bộ nhớ của bạn lên. Sau đó, để nhớ lại phần này, hãy nghĩ đến khuôn mặt cười.

Một lợi thế của Bộ nhớ hình ảnh là bạn có thể tập luyện nó mà không cần piano, mọi lúc, mọi nơi. Thực tế là, một khi đã đạt được, bạn phải đọc nó trong đầu, cách xa piano, càng thường xuyên càng tốt cho đến khi nó được ghi nhớ vĩnh viễn. Một lợi thế khác là nếu bạn kẹt ở giữa khi đang chơi bản nhạc, bạn có thể dễ dàng bắt đầu lại bằng cách đọc phần nhạc đó trong đầu. Ghi nhớ hình ảnh cũng cho phép bạn hình dung trước khi bạn chơi, điều này giúp bạn suy nghĩ trước. Một lợi thế khác nữa là nó giúp khả năng thị tấu của bạn.

Điều bất lợi chính là hầu hết mọi người không thể giữ lại Bộ nhớ ảnh trong thời gian dài và việc bảo trì đòi hỏi công sức nhiều hơn các phương pháp khác vì băng thông cao của các hình ảnh trực quan. Một nhược điểm nữa là đọc bản in nhạc trong đầu là một quá trình chậm có thể làm trở ngại việc chơi đàn. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện theo các phương pháp được thảo luận ở đây, bạn có thể thấy nó dễ dàng hơn bạn đã nghĩ. Trên nguyên tắc, một khi bạn đã thuộc lòng một bản nhạc, bạn biết từng nốt nhạc và vì thế sẽ có thể viết nó lại vào nhạc phổ. Một khi bạn đã có được hầu hết các loại bộ nhớ được thảo luận ở đây, thêm bộ nhớ hình ảnh đòi hỏi thêm rất ít công sức, và bạn gặt hái những phần thưởng đáng kể. Vì vậy, mỗi nghệ sĩ dương cầm nên sử dụng một mức tối thiểu nhất định bộ nhớ hình ảnh và dần dần mở rộng nó theo thời gian.

Đối với những người nghĩ rằng họ không có bộ nhớ hình ảnh, hãy thử các mẹo sau đây. Trước tiên ghi nhớ một đoạn nhạc ngắn bằng cách sử dụng bộ nhớ bàn phím. Một khi mỗi phần đều được ghi nhớ, viết nó lại vào tập chép nhạc từ phần bạn đã học; có nghĩa là, cho mỗi ô nhịp bạn chơi (từ bộ nhớ), cố gắng hình dung ra ô nhịp tương ứng trên nhạc phổ. Vì bạn biết từng nốt nhạc, HS, việc vạch nó ra trở lại từ bàn phím vào tờ nhạc phổ sẽ đơn giản. Làm qua lại, chơi từ bộ nhớ hình ảnh và viết nó ra giấy từ bàn phím cho đến khi bức ảnh hoàn tất. Sau đó, bạn có thể làm kinh ngạc bạn bè mình bằng cách viết xuống bản ghi cho toàn bộ bản nhạc, bắt đầu từ bất cứ nơi nào! Lưu ý rằng bạn sẽ có thể viết toàn bộ bản nhạc, xuôi hay ngược, hay từ bất cứ đâu ở giữa, hay thậm chí cho mỗi tay một cách riêng biệt. Và họ đã nghĩ chỉ Wolfgang có thể làm điều đó!

(5) Bộ nhớ lý thuyết: sử dụng kiến thức về nhạc lý để ghi nhớ. Dấu hóa chính là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến toàn bộ bản nhạc? Đâu là những chuỗi phát triển hợp âm? Bộ nhớ lý thuyết cũng bao gồm bản phân tích cấu trúc. Nhạc chủ đề là gì và nó được phát triển ra sao? Mối quan hệ giữa các phần là gì? Làm thế nào để nhà soạn nhạc kết nối một ô nhịp hoặc phân khúc này với phần tiếp theo? Làm thế nào nhà soạn nhạc tạo ra một kết thúc đầy thuyết phục? Đây là một bộ nhớ khó khăn cho người mới bắt đầu, nhưng trong lúc bạn càng học nhiều nhạc lý hơn, tầm quan trọng của nó càng tăng và trở thành một yếu tố lớn và thiết yếu của bộ nhớ cho các nghệ sĩ piano cấp cao. Ngay cả với vốn kiến thức lý thuyết ít ỏi, bất cứ ai đều có thể tiến hành phân tích cấu trúc, như chúng ta đã làm bằng cách đếm các ô nhịp và đoạn lặp trong Fur Elise ở các phần trước.

Tôi nên dùng loại bộ nhớ nào trong 5 loại trên? Câu trả lời là toàn bộ, và hơn nữa (ví dụ như tình cảm, lịch sử, v.v…); thật thiếu thực tế nếu nghĩ rằng chỉ cần dùng một loại, vì trí nhớ có tính liên kết; bạn nhớ càng nhiều, bạn càng có thể nhớ nhiều, và bạn càng gợi nhớ tốt hơn. Những người mới bắt đầu nên học bộ nhớ bàn phím trước vì nó dễ và hiệu quả nhất. Tổng quan hơn, hãy bắt đầu với bất cứ phương pháp ghi nhớ nào dễ nhất cho bạn. Chỉ có điều, đến cuối cùng, bạn sẽ (và đã, theo một mức nào đó) dùng toàn bộ chúng; đó là lý do việc học càng nhiều phương pháp ghi nhớ càng tốt rất có lợi vì đó là cách bạn tăng cường trí nhớ. Mỗi người có một phương pháp ghi nhớ chính và bổ sung nó bằng tất cả các phương pháp khác, một vài trong số đó rất cần thiết, như bộ nhớ tay, và một số khác sinh ra đã có sẵn một phần, như bộ nhớ âm nhạc. Các chi tiết lý thuyết thêm về cách tăng cường trí nhớ được thảo luận trong [(16) Chức Năng Trí Nhớ Của Con Người].

Một phương tiện ghi nhớ tiện dụng là luật “quên 3 lần”. Nếu bạn có thể quên và học lại một thứ 3 lần, bạn thường sẽ nhớ nó mãi mãi. Luật này có hiệu lực vì nó loại bỏ sự thất vọng từ việc quên và đưa ra 3 cơ hội cho bạn luyện tập các phương pháp ghi nhớ. Sự bực bội với, và nỗi sợ của, việc quên là đối thủ tồi tệ nhất của những người có trí nhớ kém, và phương pháp này giảm bớt sự bực tức đó vì thay vì cố nhớ, bạn đang cố quên.

Nào hãy học thuộc toàn bộ bản Fur Elise (HS) trong lúc bạn luyện tập từng đoạn. Để đọc thêm về các ví dụ cho cách làm việc này từng bước một, hãy đọc [(52) Quy Trình Luyện Tập: Bach Invention, Sinfonia]

Bộ nhớ lý thuyết: sử dụng kiến thức về nhạc lý để ghi nhớ.

Bộ nhớ lý thuyết, sử dụng kiến thức về nhạc lý để ghi nhớ.

Bảo trì bộ nhớ: Một danh mục ghi nhớ yêu cầu hai khoản đầu tư thời gian: đầu tiên là quá trình ghi nhớ ban đầu, cộng với phần “bảo trì” thứ hai để lưu trữ bộ nhớ vĩnh viễn và để sửa chữa những phần bị lãng quên. Trong suốt cuộc đời của một nghệ sĩ dương cầm, thành phần thứ hai cho đến nay chiếm phần lớn hơn bởi vì khoản đầu tư ban đầu là số không hoặc thậm chí là số âm như chúng ta đã thấy (bạn tiết kiệm thời gian bằng cách ghi nhớ). Bảo trì là một lý do tại sao một số từ bỏ việc ghi nhớ: tại sao phải ghi nhớ nếu tôi rồi cũng sẽ quên nó? Bảo trì có thể giới hạn kích thước của một tiết mục bởi vì sau khi ghi nhớ, để xem, khoảng 5-10 tiếng đồng hồ âm nhạc, các yêu cầu bảo trì có thể loại bỏ việc ghi nhớ thêm bản nhạc nào khác. Có nhiều cách để mở rộng danh mục của bạn vượt quá bất kỳ giới hạn bảo trì nào. Một cách hiển nhiên là bỏ các bản nhạc đã nhớ đi và lại học lại sau này khi cần thiết. Các bản nhạc đã được ghi nhớ tốt có thể được đánh bóng lại nhanh chóng, cho dù chúng đã không được chơi trong nhiều năm. Nếu không được ghi nhớ tốt trong lần đầu, bạn có thể phải trải qua toàn bộ quá trình ghi nhớ lại từ đầu. Vậy “ghi nhớ tốt” có nghĩa gì?

Ghi nhớ càng nhiều bản nhạc càng tốt trước tuổi 20. Các bản nhạc đã học trong những năm đầu gần như là sẽ không bao giờ bị quên, và thậm chí nếu có quên, cũng sẽ được dễ dàng ghi nhớ lại. Đây là lý do tại sao các bạn trẻ phải ghi nhớ tất cả các bản nhạc tiết mục của họ. Các bản nhạc đã học sau 40 tuổi đòi hỏi nhiều nỗ lực ghi nhớ bảo trì hơn. Mặc dù nhiều người không khó khăn gì ghi nhớ nội dung mới sau tuổi 70 bằng những phương pháp ghi nhớ này, họ phải biết rằng những nội dung ghi nhớ mới có thể cần được bảo trì liên tục để duy trì.

Các nghệ sĩ hòa tấu dương cầm luôn chơi từ trí nhớ; tại sao? Một lý do dễ thấy là trình độ kỹ thuật cao và “tài năng” cần thiết để làm được điều đó – bạn sẽ không có thời gian đọc bản nhạc, lật trang, v.v… Chúng ta bàn luận về nhiều lợi ích của việc ghi nhớ xuyên suốt cuốn sách này, ví dụ như tăng IQ [(65) Tạo Ra Thiên Tài]; chúng khiến cho việc ghi nhớ thành điều thiết yếu, chứ không phải là một tài lẻ hay một thứ gì xa hoa. Đó là lý do các nghệ sĩ hòa tấu piano luôn luôn chơi từ trí nhớ – không còn cách nào khác tốt hơn.

Quá trình bảo trì hiệu quả nhất là dùng Diễn Tập Tinh Thần (chơi bản nhạc trong đầu, cách xa cây đàn, được nói đến trong phần kế), nó cũng là một cách tốt để kiểm tra xem bạn đã ghi nhớ tốt và hiệu quả chưa.

Nếu bạn ghi nhớ trước khi luyện tập các bài nhạc và chỉ tập từ trí nhớ, kết quả thường sẽ đạt mức ghi nhớ tốt, nhất là khi bạn cũng thực hiện diễn tập tinh thần.

Thời gian bảo trì là một thời điểm tốt để xem lại nhạc phổ và kiểm tra độ chính xác của bạn cho từng nốt nhạc và các kí hiệu biểu cảm. Vì bạn sử dụng cùng bản ghi nhạc đó để học bản nhạc, có khả năng cao là nếu bạn đã mắc một lỗi khi đọc nhạc phổ lần đầu, bạn sẽ mắc cùng một lỗi sau này, và không bao giờ phát hiện lỗi đó. Một cách giải quyết vấn đề này là nghe bản thu âm. Bất kỳ sự khác biệt lớn nào giữa bài biểu diễn của bạn và bản ghi âm sẽ nổi bật lên như một trải nghiệm khó chịu và dễ bị phát hiện.